VTV.net (Tổng hợp) đã đăng lúc 10:16 - 03.06.2024
Thời gian gần đây, không ít người dùng sử dụng thiết bị thông minh, lướt mạng xã hội rồi bỗng nhiên thấy tên tài khoản mạng xã hội của mình được gắn thẻ vào một bài đăng có nội dung nhạy cảm hoặc gây tò mò đi kèm với một đường link. Nhiều người sẽ có thói quen nhấn ngay vào đường link này vì mong muốn đọc được nội dung cuả bài đăng đó.
Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, thói quen này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Trong đó có nguy cơ bị kẻ xấu chiếm quyền điều khiển mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng
Theo chia sẻ của một nạn nhân, cách đây ít lâu, cô đã phát hiện tên tài khoản Facebook cá nhân của mình và của hàng chục người khác được gắn thẻ trong một bài đăng về chuyện một ca sĩ nổi tiếng bị lộ lọt những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư. Để xem được đầy đủ bài viết, chỉ cần nhấn vào một đường link có trong phần bình luận.
Tuy nhiên, ngay khi vừa nhấn vào đường link đó, điện thoại của cô hiện lên một giao diện giống như của Facebook. Sau khi nhập tên tài khoản, mật khẩu vào và ấn "đăng nhập" thì người dùng này phát hiện ra tài khoản mạng xã hội của cô đã bị mất quyền truy cập.
"Tôi cứ nghĩ là do lỗi mạng hay một vấn đề gì đó của Facebook nên chủ quan không để ý đến việc này. Đến chiều, khi bạn gọi điện, hỏi tôi nhắn tin qua Facebook để vay tiền đúng không? Tôi rất ngạc nhiên, nói không có chuyện đó. Và lúc đấy tôi mới nhận ra mình mắc bẫy chiêu trò này rồi" - nạn nhân chia sẻ.
Các chuyên gia an ninh mạng nhận định, hình thức lừa đảo này đánh vào tâm lý tò mò của người dùng mạng xã hội để lấy cắp thông tin tài khoản. Những tin tức gây tò mò, nội dung nhạy cảm liên quan đến đời tư hay đau buồn về người thân, người quen bị tai nạn là những đòn đánh tâm lí rất dễ tác động tới người dùng.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Công ty An ninh mạng quốc gia Việt Nam - cho biết: "Các đối tượng lừa đảo có thể đưa ra các kịch bản lừa đảo khác nhau. Ví dụ như lừa vào bình chọn cho các cuộc thi hay lừa để nhận thưởng hay khuyến mại. Với những thông tin mang tính hấp dẫn và gây tò mò như vậy thì người dùng mạng xã hội rất dễ là bấm vào các đường link này và sau đó, họ điền những thông tin đăng nhập, mật khẩu vào. Từ đó, các thông tin này sẽ bị đánh cắp và các đối tượng sẽ chiếm được các tài khoản, sau đó sẽ tiếp tục sử dụng tài khoản này vào các hình thức lừa đảo khác".
Theo nhận định của cơ quan công an, hành vi này thực chất là biến tướng của chiêu trò phát tán những tin nhắn như thông báo đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, thông báo tài khoản ngân hàng đang bị đăng nhập bởi một thiết bị khác hay thông báo trúng thưởng các đồ dùng có giá trị… Mục đích là để dẫn dụ những người nhẹ dạ cả tin nhấn vào những đường link có chứa mã độc. Đây là chiêu trò không mới nhưng chiêu thức lừa đảo thì lại mới.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hoàng - Phó Đội trưởng đội cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên, Hà Nội - cho rằng: "Vẫn là chiêu trò mạo danh công an, cán bộ của các cơ quan chức năng để tiếp cận, dẫn dụ, hoặc đe dọa người dân để người dân làm theo hướng dẫn của chúng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Nhưng chiêu trò này đã tinh vi và nguy hiểm hơn do các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công nghệ để thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, người dân cần hết sức đề cao cảnh giác".
Tổng Giám đốc
Nguyễn Thanh Lâm
Phó Tổng Giám đốc
ĐINH ĐẮC VĨNH
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ THANH HẢI
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ ĐỨC HOÀNG
Phó Tổng Giám đốc
LÊ QUYỀN