Cơ hội và thách thức của ChatGPT đối với ngành báo chí

Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông đã đăng lúc 09:12 - 07.06.2024

ChatGPT tạo ra một cuộc cách mạng trong công tác sản xuất tin tức và giúp phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo nhưng nhiều thách thức trước những nội dung được tạo ra bởi AI cũng tác động không nhỏ tới báo chí.
Cơ hội và thách thức của ChatGPT đối với ngành báo chí

 

ChatGPT mang tới cơ hội gì cho ngành báo chí Việt Nam?

ChatGPT, với khả năng xử lý và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên ưu việt, mở ra một loạt cơ hội mới cho ngành truyền thông và báo chí Việt Nam.

Cách mạng trong công tác sản xuất tin tức

Đầu tiên, ChatGPT có khả năng tổng hợp và sản xuất nội dung một cách nhanh chóng, giúp các cơ quan báo chí truyền thông giảm thiểu thời gian từ khi thu thập thông tin đến khi phát hành tin tức. Trong bối cảnh thông tin liên tục cập nhật, khả năng này giúp báo chí cạnh tranh được với tốc độ của mạng xã hội và các nguồn tin tức trực tuyến khác.

Thứ hai, ChatGPT có thể tạo ra nội dung dựa trên sở thích và hành vi của người dùng, giúp các tổ chức tin tức cung cấp trải nghiệm đọc tin được cá nhân hóa. Điều này không chỉ tăng cường sự tương tác và sự hài lòng của độc giả mà còn giúp tối ưu hóa việc phân phối nội dung, đảm bảo rằng độc giả nhận được tin tức phù hợp và hấp dẫn nhất với họ.

Cuối cùng là hiệu quả về chi phí. Việc áp dụng ChatGPT vào quá trình sản xuất tin tức có thể giảm bớt chi phí lao động và tăng hiệu quả trong quản lý nội dung. AI có thể giúp tự động hóa một số quy trình làm việc, như tìm kiếm và tổng hợp thông tin, dịch thuật tin tức sang các ngôn ngữ khác, hoặc thậm chí tạo ra bản nháp đầu tiên của bài viết, giảm thiểu thời gian và công sức của con người.

Phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo

Tương tự như báo chí trên thế giới, các nhà báo, biên tập viên (BTV) ở Việt Nam hiện vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào việc sáng tạo và biên tập tin tức. Nhưng với sự xuất hiện của ChatGPT và các công nghệ AIGC khác, vai trò của những người làm báo ở Việt Nam có thể sẽ có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, ChatGPT có thể giúp cho những người làm báo mở rộng kỹ năng của họ ra ngoài việc viết và biên tập truyền thống, ví dụ như lập kế hoạch, kiểm duyệt và tối ưu hóa nội dung bằng việc khai thác công nghệ mới.

Ngoài ra, các nhà báo có thể sử dụng AIGC trong việc kiểm duyệt nội dung và phân tích dữ liệu báo cáo một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó tăng cường độ tin cậy và chiều sâu của các báo cáo, đáp ứng nhu cầu thông tin chất lượng cao của công chúng. Những điều này không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu về chất lượng của nội dung báo chí mà còn giúp các cơ quan truyền thông của Việt Nam thu hút thêm nhiều độc giả và tăng thêm tầm ảnh hưởng, lợi thế cạnh tranh trong ngành truyền thông.

AI

Thách thức của ChatGPT đối với ngành báo chí Việt Nam

Sự xuất hiện của ChatGPT cũng tác động sâu sắc đến ngành báo chí trên toàn thế giới. Phương thức sản xuất tin tức truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức trước những nội dung được tạo ra bởi AI. Một số nhà nghiên cứu dự đoán đến năm 2025, AIGC sẽ chiếm 30% nội dung trực tuyến, điều này chắc chắn dẫn đến những thay đổi to lớn trong công việc sản xuất tin tức của ngành báo chí trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Suy yếu góc nhìn, quan điểm của phóng viên; rủi ro về an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu; làm méo mó thông tin; ảnh hưởng vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền là những nguy cơ từ ChatGPT.

Công tác sản xuất tin tức

Trước đây, nhà báo, phóng viên có thể được coi là trung tâm của quá trình sản xuất tin tức nhưng điều này có thể thay đổi khi ChatGPT xuất hiện. Công nghệ AI có thể khiến cho phương thức sản xuất tin tức cũng bắt đầu có những sự thay đổi sâu sắc. ChatGPT không chỉ có thể tạo nội dung về các chủ đề cụ thể mà còn có khả năng lập kế hoạch lựa chọn chủ đề, viết dàn ý và giải thích chủ đề với số lượng lớn và có vẻ “rất chân thực”.

Ngoài ra, những phóng viên, nhà báo hay các cá nhân sáng tạo nội dung thường đưa góc nhìn, quan điểm của mình vào việc sản xuất tin tức, tuy nhiên, nếu ChatGPT tham gia quá sâu sắc vào quá trình này, những nét riêng biệt kể trên có thể bị suy yếu hoặc thậm chí biến mất, thay vào đó là hàng loạt nội dung được tạo ra dập khuôn và máy móc.

Phương thức truyền thông

Sự phát triển không đồng đều của cơ sở hạ tầng thông tin giữa các địa phương khác nhau tại Việt Nam là một trở ngại lớn trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là đối với ngành báo chí truyền thông hiện nay. ChatGPT có thể sẽ dẫn đến những rủi ro về an ninh mạng, rò rỉ dữ liệu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc người dùng tiếp nhận thông tin. Cụ thể, khả năng tự tạo nội dung của ChatGPT sẽ khiến cho người dùng tại Việt Nam có khả năng bị “bao trùm” bởi các nội dung không phải do con người tạo ra, dẫn đến các nguy cơ về tin giả, lừa đảo trực tuyến qua mạng ngày càng lớn hơn. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành báo chí Việt Nam cần phải tăng cường chặt chẽ kiểm soát nội dung và đảm bảo tính chính xác của thông tin được truyền thông.

Người tiếp nhận

Kể từ khi ra đời, các chuyên gia công nghệ thường có khuyến nghị sử dụng ChatGPT bằng tiếng Anh vì mô hình ngôn ngữ này được huấn luyện nhiều trên tập dữ liệu tiếng Anh. Nói như vậy, tức là khi xử lý nội dung bằng tiếng Việt, ChatGPT có thể có những thiếu sót và không chính xác nhất định, ví dụ như những nội dung liên quan đến lịch sử, văn hóa đặc thù của Việt Nam, do được huấn luyện chủ yếu ở trên mô hình ngôn ngữ tiếng Anh nên các kết quả tạo ra có thể sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi các quan điểm dựa trên tài liệu tiếng Anh mà nó được huấn luyện.

Ngoài ra, người sử dụng Internet tại Việt Nam có một tỉ lệ không nhỏ là độ tuổi thanh thiếu niên - đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các nguồn thông tin trên Internet, do đó, nếu những nguồn thông tin không chính xác hoặc sai sự thật thì hậu quả mang lại sẽ rất nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý

Từ khi ra mắt vào năm 2022, ChatGPT đã nhanh chóng trở thành một công cụ hàng đầu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên, mặc dù cũng mang theo một số rủi ro tiềm ẩn, nhất là khi nó được sử dụng cho mục đích sai trái. Theo dữ liệu từ Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS), trong 2023, Việt Nam đã ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng. Nguy cơ này càng tăng cao nếu các nhóm có ý đồ xấu sử dụng ChatGPT hoặc công nghệ AIGC tương tự để làm méo mó thông tin và lan truyền chúng trên Internet.

Ngoài ra, vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền cũng được tranh luận khá nhiều khi có sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ AI. Một số ý kiến cho rằng do nội dung của AIGC không do con người tạo ra và thiếu tính độc đáo nên không thể nằm trong diện được bảo vệ bởi luật bản quyền. Trong khi đó, một nhóm quan điểm khác cho rằng khả năng đổi mới mà AI mang lại trong quá trình sáng tạo nên được công nhận và bảo vệ. Luật Sở hữu trí tuệ và bản quyền hiện nay ở Việt Nam, vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể nào cho vấn đề này, điều này khiến cho việc xác định quyền sở hữu trí tuệ cho nội dung được tạo ra bởi AI vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Với tư cách là đại diện cho công nghệ AIGC, ChatGPT không chỉ mang lại cơ hội mà còn cả thách thức cho ngành báo chí toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Công nghệ AIGC như ChatGPT mang lại cho ngành báo chí Việt Nam một phương tiện hiệu quả và sáng tạo trong công tác sản xuất và phổ biến thông tin. Tuy nhiên, sự phổ biến của công nghệ AIGC như ChatGPT cũng mang lại hàng loạt vấn đề về đạo đức và xã hội. Cụ thể là, tính chính xác, minh bạch và độ tin cậy của thông tin đứng trước nguy cơ bị xâm hại bởi tin giả do máy móc tạo ra.

So với các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam vẫn có những hạn chế nhất định về nhân lực phát triển, sử dụng công nghệ và những hành lang pháp lý liên quan. Tuy nhiên, những thách thức này cũng tạo ra cơ hội cho Việt Nam có những hoạch định chiến lược công nghệ AIGC phù hợp hơn dựa trên điều kiện quốc gia và nhu cầu thực tế.

  • 7 tháng trước
  • 8842

Tổng Giám đốc

Nguyễn Thanh Lâm

Phó Tổng Giám đốc

ĐINH ĐẮC VĨNH

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ THANH HẢI

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ ĐỨC HOÀNG

Phó Tổng Giám đốc

LÊ QUYỀN

SẢN PHẨM TRUYỀN HÌNH

Dịch vụ quảng cáo
Dịch vụ quảng cáo
Sản phẩm nội dung số
Sản phẩm nội dung số
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền