Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số

Giang My (tổng hợp) đã đăng lúc 08:00 - 19.05.2025

Ngày 16/5 tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam, Cục Báo chí và Tạp chí VietTimes tổ chức hội thảo với chủ đề "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số".
Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số

 

Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ VH-TT&DL Lê Hải Bình chủ trì hội thảo.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), đồng thời nhằm lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, thông qua.

Các đại biểu tham dự đều thống nhất rằng, trong bối cảnh truyền thông toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ sang nền tảng số, Việt Nam đứng trước yêu cầu cấp thiết phải điều chỉnh hành lang pháp lý phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của báo chí trong môi trường mới.

Xác định rõ vai trò của tổ hợp báo chí truyền thông

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ cho biết, thực hiện chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 theo Nghị quyết số 59/2024/NQUBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai xây dựng Dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, cho biết: Việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; khắc phục các bất cập trong luật hiện hành; đồng thời điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và truyền thông hiện đại. Đây là yêu cầu cần thiết để tạo dựng hành lang pháp lý cho báo chí phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.

Hội thảo tập trung thảo luận 3 nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, trong bối cảnh nhiều cơ quan báo chí sáp nhập, cần xây dựng mô hình tổ hợp báo chí như thế nào để phát huy hiệu quả và phát triển bền vững. Thứ hai, việc liên kết trong hoạt động giữa các cơ quan báo chí cần được điều chỉnh ra sao để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội. Thứ ba, trong khi mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới đang cạnh tranh khốc liệt với báo chí chính thống về tốc độ và mức độ lan tỏa thông tin, cần có giải pháp để báo chí có thể cạnh tranh công bằng, bảo đảm vị thế thông tin trên môi trường mạng.

Một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm tại hội thảo là việc đưa mô hình “tổ hợp báo chí truyền thông” vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi). Đây là lần đầu tiên mô hình này được đề cập ở cấp luật, đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hệ thống báo chí Việt Nam.

Theo khoản 16 và 17, Điều 2 của dự thảo, "tổ hợp báo chí truyền thông" là cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí và các đơn vị trực thuộc, bao gồm doanh nghiệp báo chí, được tổ chức theo điều kiện do Chính phủ quy định. Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện được xác định là tổ hợp báo chí truyền thông có vai trò nòng cốt định hướng dư luận xã hội, đồng thời có cơ chế hoạt động đặc thù.

Tiến sĩ Lê Hải (Tạp chí Cộng sản điện tử) cho rằng mô hình tổ hợp truyền thông là xu thế tất yếu, giúp tích hợp các loại hình báo chí để truyền tải thông tin hiệu quả hơn. Ông khẳng định đây là nhu cầu phát triển khách quan của báo chí Việt Nam, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy sự chuyên nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng đánh giá Việt Nam có thể học hỏi mô hình tổ hợp truyền thông từ các quốc gia có hệ thống báo chí tương đồng như Trung Quốc. Ông đồng thời đề xuất bổ sung quy định rõ hơn về quy trình cấp và thu hồi thẻ nhà báo để đảm bảo tính kịp thời, minh bạch trong tác nghiệp.

Về quyền tác giả, bà Nguyễn Thị Sự - Phó Tổng Giám đốc TTXVN - cho rằng dự thảo Luật cần làm rõ nghĩa vụ bản quyền của không chỉ cơ quan báo chí, mà cả các nền tảng và nhà mạng khi sử dụng tác phẩm báo chí. Bà đề xuất bổ sung quy định và chế tài cụ thể để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả.

Cần tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là kinh tế báo chí

Đề cập đến những vấn đề mang tính cấu trúc và nền tảng của báo chí, ông Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - cho rằng cần nghiên cứu lại mô hình cơ quan chủ quản báo chí. Ông đề xuất Luật Báo chí (sửa đổi) cần quy định rõ cơ quan chủ quản là ai, phạm vi và trách nhiệm cụ thể ra sao, để bảo đảm sự phát triển độc lập, chuyên nghiệp và minh bạch của báo chí.

Về khía cạnh kinh tế, ông Sưởng cho rằng mô hình hoạt động của báo chí hiện nay đang lúng túng giữa cơ chế sự nghiệp có thu và cơ chế thị trường. Trong khi báo chí được xem là đơn vị sự nghiệp, nhiều cơ quan báo chí lại vận hành như doanh nghiệp, tự lo kinh phí, quảng cáo, nhân sự. Nếu không tháo gỡ được điểm nghẽn về kinh tế, báo chí sẽ rất khó phát triển, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các nền tảng số. Vì vậy, theo ông, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng cơ chế tự chủ, cơ chế tài chính và định danh rõ ràng mô hình tổ chức báo chí, từ đó tạo điều kiện cho báo chí phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Lê Hải Bình đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực, sâu sắc và đầy tâm huyết của các đại biểu. Ông cho biết Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), đồng thời mong muốn nhận thêm nhiều đóng góp hơn nữa trong các hội thảo tiếp theo, nhằm đảm bảo dự thảo luật được trình Quốc hội là văn bản pháp luật thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí Việt Nam trong thời đại số.

  • một tháng trước
  • 61

Tổng Giám đốc

Nguyễn Thanh Lâm

Phó Tổng Giám đốc

ĐINH ĐẮC VĨNH

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ THANH HẢI

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ ĐỨC HOÀNG

Phó Tổng Giám đốc

LÊ QUYỀN

SẢN PHẨM TRUYỀN HÌNH

Dịch vụ quảng cáo
Dịch vụ quảng cáo
Sản phẩm nội dung số
Sản phẩm nội dung số
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền