“Hương vị Việt Nam – Nagasaki” chuyện bây giờ mới kể

Yến Trang đã đăng lúc 09:16 - 22.12.2023

"Hương vị Việt Nam - Nagasaki" là dự án hợp tác sản xuất chương trình giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Nagasaki. Nhà báo Nguyễn Minh Hà - Tổ chức sản xuất chương trình đã chia sẻ thêm nhiều điều thú vị trong quá trình sản xuất.
“Hương vị Việt Nam – Nagasaki” chuyện bây giờ mới kể

 

Năm 2023 đánh dấu 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhưng lịch sử giao lưu giữa Nagasaki và Việt Nam đã bắt đầu khoảng 400 năm trước với giao thương Châu Ấn thuyền. Nhờ đó, nhiều thương nhân Nagasaki như Araki Sotaro đã tới Việt Nam để giao thương và đến nay, giao lưu giữa Nagasaki và Việt Nam vẫn được duy trì.  

Lấy cảm hứng từ mối lương duyên giữa chàng thương nhân Nhật Bản Sotaro và công nữ Ngọc Hoa (được biết đến là công nữ Anio tại Nhật), anh Karasuyama Takumi – Phát thành viên (PTV) Đài truyền hình KTN đã gặp gỡ anh Nguyễn Bá Phước - đầu bếp ẩm thực Nhật Bản truyền thống, người đã từng có thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản để mời anh đến thăm Nagasaki và nấu một món ăn chiêu đãi người dân khu phố Motoshikkui biểu diễn rước Châu Ấn thuyền, tái hiện chuyện tình hai người trong lễ hội Nagasaki. Để thực hiện món ăn này, PTV Karasuyama Takumi đã đưa đầu bếp Nguyễn Bá Phước đi khắp Nagasaki để tìm nguyên liệu phù hợp. Về phần Phước, sau khi đi thăm những cảnh đẹp của Nagasaki và tìm hiểu về văn hóa ẩm thực của vùng đất này, anh đã có ý tưởng về một món ăn đặc biệt dành cho họ trước ngày lễ hội diễn ra.

Hương vị 3

Tổ chức sản xuất Nguyễn Minh Hà và đầu bếp Nguyễn Bá Phước với món mỳ Quảng mang đậm hương vị Việt Nam - Nagasaki 

Chia sẻ việc vì sao chọn đầu bếp Nguyễn Bá Phước làm nhân vật chính cho series phim lần này, chị Nguyễn Minh Hà – Tổ chức sản xuất của “Hương vị Việt Nam – Nagasaki” cho biết: Do chỉ mới nói chuyện online với Phước vài lần và tìm hiểu trên Facebook hay Youtube nên lúc đầu chúng tôi không thể chắc chắn đầu bếp trẻ tuổi này có thể đảm nhận tốt việc dẫn chương trình truyền hình không. Vì vậy, trước khi thực hiện chương trình, chúng tôi khá lo lắng. Tuy nhiên, trong lần khảo sát tại Nagasaki hồi tháng 9, chúng tôi có cơ hội gặp Phước. Bạn ấy ở ngoài trông nhỏ nhắn, có lối nói chuyện khá hóm hỉnh, già trước tuổi, có kiến thức khá rộng ở mọi chủ đề và đặc biệt nói được tiếng Nhật thành thạo. Nghe Phước kể về các món ăn Nhật Bản, Việt Nam và cách thưởng thức các món ăn, câu chuyện đằng sau các món ăn đó thì chúng tôi thấy vô cùng hấp dẫn. Tuy còn một vài điều băn khoăn nhưng cả nhóm quyết định chọn Phước làm nhân vật trải nghiệm cho dự án hợp tác làm phim “Hương vị Việt Nam – Nagasaki” lần này.

 

Hương vị 6

Đầu bếp Nguyễn Bá Phước làm món Mỳ Quảng với nguyên liệu tìm được ở Nagasaki

Sau khi quyết định làm món mỳ Quảng – món mỳ đặc trưng của Hội An, nơi mà tương truyền Công nữ Anio đã theo chân chàng thương nhân Sotaro sang Nagasaki, đoàn làm phim đã theo chân đầu bếp Nguyễn Bá Phước đi tìm những nguyên liệu để làm món này tại Nagasaki. Xưởng mỳ Sanwa Seimen sản xuất mỳ Champon - nguyên liệu chính để làm món mỳ Quảng là nơi Phước cùng PTV Karasuyama ghé chân đầu tiên trong hành trình đi tìm nguyên liệu. Mỳ Champon làm ở đây có độ dai, ngon, vị đậm. Ông chủ xưởng mỳ giới thiệu tảng muối Touaku rất to, có tác dụng làm cho mỳ có độ đậm khác biệt. Điều đặc biệt là do quy định về an toàn thực phẩm ở Nhật rất chặt chẽ nên không phải cơ sở sản xuất mỳ nào cũng được cấp giấy phép dùng Touaku cũng như không phải xưởng nào cũng được cấp phép sản xuất loại muối này. Thực tế là ở Nagasaki chỉ có hai nơi được phép sản xuất muối này mà thôi. Theo Phước, chính công thức pha tỷ lệ muối - mỳ đã tạo ra vị riêng của món mỳ Champon Nagasaki mà không nơi nào có được và cũng rất tiếc rằng Phước không thể biết được công thức này do đây là bí quyết gia truyền của xưởng mỳ. Mỳ Champon Nagasaki có thể coi là nguyên liệu chính giúp món mỳ Quảng của Phước thành công sau này.

 

Hương vị 4

 

Tiếp theo đoàn tới nhà máy sản xuất chả cả Kamaboko, một đầm nuôi tôm he sạch và khu vườn trồng quả vả. Ba nguyên liệu chả cá, tôm và quả vả dường như không xa lạ với người Việt Nam nhưng thực chất lại là nguyên liệu tạo vị riêng có trong món mỳ Quảng mà Phước tạo ra. Chả cá có vị ngọt tự nhiên, không chất tạo vị mà theo Phước, từ ngày đến Nhật (tầm khoảng 10 năm về trước), bạn ấy chưa được nếm miếng chả cá nào ngon đến vậy. Quả vả to, ngọt được Phước làm món kèm bên ngoài đưa đẩy vị cho món mỳ. Vị tôm tươi làm nước dùng thơm ngon, dậy mùi. Vào trước ngày diễn ra lễ hội, khoảng 15 thanh niên trai tráng cùng hai bé đóng vai công nữ Anio và thương nhân Sotaro thuộc đoàn rước thuyền Châu Ấn khu phố Motoshikkui được mời đến thưởng thức món mỳ Quảng đặc biệt này. Họ ăn mỳ rất nhanh, có người còn ăn tới hai bát và tấm tắc khen ngon. Theo họ, Phước đã thành công khi tạo ra món mỳ Việt nhưng có gia giảm khẩu vị rất phù hợp với người Nhật.

 

Hương vị 5

Đầu bếp Nguyễn Bá Phước và MC Karasuyama Takumi chụp ảnh với các chàng trai rước Châu Ấn thuyền sau khi họ thưởng thức món Mỳ Quảng Nhật Việt do anh tạo ra

Hai vợ chồng ông chủ xưởng sản xuất mỳ Champon tò mò đến thưởng thức đã không tiếc lời ca ngợi Phước. Thú vị hơn nữa, những người thưởng thức mỳ còn vui vẻ đặt tên cho món này là món mỳ Anio, thể hiện sự trân trọng tình cảm Hội An – Nagasaki và cũng để không bao giờ quên món ăn đặc biệt này. Về phía nhóm sản xuất chúng tôi, ngày mà Phước chế biến món ăn là ngày chúng tôi mong chờ và hồi hộp nhất. Trước sự chứng kiến của tất cả mọi người, Phước thoăn thoắt làm món ăn, vừa nêm nếm gia vị, vừa trình bày món ăn rất tinh tế, vừa thuyết minh về món ăn đầy nhiệt huyết. Có thể nói, cảnh quay Phước làm bếp rất thuận lợi và thú vị vì lúc này bạn ấy quay trở về là chính mình,là đầu bếp thực thụ, chỉn chu, tinh tế nhưng vẫn có vẻ linh hoạt của người dẫn chương trình truyền hình cần có. Cả nhóm của Đài THVN và Đài TH Nagasaki thở phào và hoàn toàn bị thuyết phục bởi vẻ duyên dáng, tài năng và nhiệt huyết của người đầu bếp trẻ, người mà theo như lời của những người thưởng thức món mỳ Quảng hôm đó, đã nấu mỳ “bằng cả trái tim”. Chúng tôi sau đó đã rất yên tâm theo chân Phước ghi hình những cảnh quay tiếp theo, đặc biệt tại Nagasaki Kunchi – một lễ hội thường niên rất lớn của tỉnh Nagasaki, khi Phước cùng PTV Karasuyama tham dự lễ hội rước Châu Ấn thuyền tái hiện cảnh thương nhân Sotaro đưa công nữ Anio về Nagasaki diễn ra ngay ngày hôm sau.

 

Hương vị 8

 

  • 9 tháng trước
  • 7829

Tổng Giám Đốc

LÊ NGỌC QUANG

Phó Tổng Giám đốc

ĐINH ĐẮC VĨNH

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ THANH HẢI

Phó Tổng Giám đốc

ĐỖ ĐỨC HOÀNG

SẢN PHẨM TRUYỀN HÌNH

Dịch vụ quảng cáo
Dịch vụ quảng cáo
Sản phẩm nội dung số
Sản phẩm nội dung số
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền
Truyền hình trả tiền