Trần Yến đã đăng lúc 16:06 - 03.08.2023
"Sức nước ngàn năm" - Một gameshow tuyên truyền về pháp luật trên sóng VTV
Thực tiễn thời gian qua, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả; việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, chủ yếu thực hiện phổ biến đối với các VBQPPL đã được ban hành. Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông các dự thảo chính sách, ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của VBQPPL, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành. Một số VBQPPL mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được ban hành do chất lượng soạn thảo và tính đồng thuận xã hội còn hạn chế; có VBQPPL do chưa thực hiện truyền thông định hướng, dẫn dắt từ khâu soạn thảo nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội.
Trên cơ sở thực tiễn, kết hợp với việc thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chủ trương, định hướng lớn về công tác PBGDPL tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư; nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 – 2027, nhằm tăng cường truyền thông dự thảo chính sách từ sớm, từ xa, ngay từ khi lập đề nghị xây dựng VBQPPL, bảo đảm đồng bộ, bài bản, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tạo đồng thuận xã hội trong quá trình thực hiện chính sách sau khi được ban hành cũng như nâng cao ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông chính sách nói chung, truyền thông chính sách được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Làm tốt công tác truyền thông dự thảo chính sách là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.
Ngoài các bản tin được trình bày gần như trên báo in, truyền thông dự thảo chính sách trên phát thanh, truyền hình có thể thông qua các cuộc tọa đàm, trao đổi, các phóng sự nhằm tận dụng ưu thế về âm thanh và hình ảnh để thu hút người nghe, người xem. Truyền thông dự thảo chính sách không giống như đưa tin, phát hình về con người, sự việc, sự kiện trực tiếp hoặc các chương trình giải trí mà luôn có sự chuẩn bị ghi âm, ghi hình từ trước. Truyền thông dự thảo chính sách trên truyền hình và phát thanh, chủ yếu sử dụng chương trình tọa đàm và các phóng sự về thực trạng vấn đề được đề cập trong nội dung dự thảo chính sách nhằm mục đích minh họa làm sáng rõ sự cần thiết phải ban hành chính sách cũng như định hướng thông tin dự thảo chính sách sẽ quy định cụ thể như thế nào, tác động của chính sách đến các đối tượng thụ hưởng ra sao để người dân có thể nắm bắt thông tin, hiểu và phản hồi với thông tin đó. Trong quá trình sản xuất các chương trình tọa đàm và các phóng sự về chính sách cần chú ý một số thao tác như sau:
Bước 1: Xây dựng nội dung chi tiết buổi tọa đàm, phóng sự
Trên cơ sở nội dung cơ bản của dự thảo chính sách đã được duyệt trong kế hoạch của Đài, cần huy động phóng viên am hiểu về lĩnh vực mà chính sách đề cập và các chuyên gia để tiến hành xây dựng chi tiết nội dung của chương trình dự kiến phát sóng bảo đảm các yêu cầu về phù hợp với mục đích, đối tượng, đề tài cần truyền thông. Nội dung chương trình phải được bố cục rõ ràng, hợp lý; chính xác về nội dung dự thảo chính sách; được thể hiện ngắn gọn, sinh động, phong phú.
Bước 2: Biên tập, duyệt nội dung chương trình tọa đàm, phóng sự
Ban biên tập có thể huy động các chuyên gia, Ban soạn thảo chính sách góp ý về nội dung chương trình. Nếu bản thảo chưa đạt yêu cầu, Ban biên tập sẽ đề nghị người viết sửa lại theo đúng mục đích, yêu cầu đặt ra trong kế hoạch. Nếu bản thảo đạt yêu cầu thì tiếp tục chuyển thể kịch bản cho bộ phận sản xuất chương trình.
Bước 3: Viết kịch bản tọa đàm, phóng sự
Trên cơ sở nội dung chi tiết của chương trình đã được duyệt, bộ phận sản xuất giao nhiệm vụ cho người xây dựng kịch bản. Kịch bản phải bảo đảm các yêu cầu không sai lệch nội dung chi tiết của chương trình đã được duyệt; ngôn ngữ, hình ảnh phải phù hợp với đối tượng và địa bàn truyền thông. Với chương trình tọa đàm, trao đổi về dự thảo chính sách cần xây dựng câu hỏi ở nhiều dạng khác nhau, có thể là câu hỏi trực tiếp như: Tại sao lại phải ban hành chính sách? Vì sao dự thảo chính sách lại đưa ra quy định a, b? hoặc câu hỏi gián tiếp thông qua một tình huống, một sự kiện liên quan đến chính sách xảy ra trong thực tế cần phải giải quyết. Câu hỏi trực tiếp thường dùng để giải thích các khái niệm hoặc thuật ngữ chính trị, pháp lý, các vấn đề có tính lý thuyết. Vì thế, câu trả lời đối với câu hỏi trực tiếp thường gồm hai phần: giải thích khái niệm sau đó đưa ra ví dụ minh họa.
Đối với câu hỏi gián tiếp, câu trả lời cần phân tích tình huống, sự kiện, chỉ ra các sự kiện liên quan đến chính sách, sau đó đưa ra các luận chứng, luận cứ để ủng hộ hay bác bỏ liên quan đến vấn đề được hỏi.
Bước 4: Biên tập, thẩm định, duyệt kịch bản
Biên tập lần 1: Nếu kịch bản đã đạt yêu cầu thì chuyển đến các chuyên gia để thẩm định. Trong trường hợp kịch bản chưa đạt yêu cầu thì Ban biên tập đề nghị người viết kịch bản bổ sung, chỉnh sửa lại.
Thẩm định: Người thẩm định là các chuyên gia trong lĩnh vực mà chính sách đề cập; các chuyên gia thẩm định đọc, góp ý, sửa chữa, bảo đảm tính chính xác về nội dung chính sách, khách mời và tính phù hợp về văn hóa, phong tục, tập quán trong ngôn ngữ thể hiện.
Biên tập lần 2, duyệt: Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia thẩm định, Ban biên tập đọc lại bản thảo trực tiếp sửa chữa, chỉnh lý, hoàn chỉnh kịch bản. Trưởng ban biên tập đọc, duyệt lần cuối.
Bước 5: Ghi âm, ghi hình buổi tọa đàm và triển khai thực hiện phóng sự
Từ kịch bản của chương trình tọa đàm, phóng sự đã được duyệt, tổ chức dàn dựng chương trình. Quá trình thực hiện vừa tuân thủ kịch bản vừa phát huy sự sáng tạo, thăng hoa của người dẫn và khách mời, cũng như phóng viên tác nghiệp phóng sự.
Bước 6: Phát thanh, phát hình
Truyền thông dự thảo chính sách cần huy động được sự tham gia của đông đảo người dân, vì vậy có thể phát đi, phát lại nhiều lần trên các khung giờ khác nhau hoặc đưa lên trang fanpage của đài để chương trình có sự lan tỏa rộng rãi hơn.
Thông tin chi tiết xem Tai lieu ky nang truyen thong du thao chinh sach 2023
Tổng Giám đốc
Nguyễn Thanh Lâm
Phó Tổng Giám đốc
ĐINH ĐẮC VĨNH
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ THANH HẢI
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ ĐỨC HOÀNG
Phó Tổng Giám đốc
LÊ QUYỀN