Giang My - Ảnh: Chương trình cung cấp đã đăng lúc 10:03 - 11.04.2025
Hơn nửa thế kỷ sau, bộ phim một lần nữa sống lại trong lòng công chúng qua chương trình “Cine7 - Ký ức phim Việt”.
“Nổi gió” - Tác phẩm kinh điển về cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam chống Mỹ
“Nổi gió” (1966), do đạo diễn Huy Thành thực hiện, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, xoay quanh bi kịch gia đình giữa hai chị em Vân và Phương trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt.
Vân là nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường, còn Phương - người em trai thất lạc nhiều năm - lại trở thành sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cuộc hội ngộ trớ trêu buộc họ đối mặt với những xung đột tư tưởng gay gắt, phản ánh sự chia cắt đau đớn mà chiến tranh gây ra cho hàng ngàn gia đình Việt Nam lúc bấy giờ.
Không chỉ ghi dấu bởi kịch tính và chiều sâu tâm lý, phim còn gây ấn tượng mạnh với những đối thoại sắc sảo, giàu tính triết lý. Với giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất (1970), “Nổi gió” đã khẳng định vị trí đặc biệt trong dòng phim chiến tranh, đồng thời tôn vinh tinh thần yêu nước và khát vọng hòa hợp dân tộc.
Hình tượng người phụ nữ trong điện ảnh
Một trong những thành công nổi bật của "Nổi gió" là xây dựng hình tượng nhân vật Vân - người phụ nữ cách mạng kiên cường nhưng cũng đầy nhân hậu, do cố NSND Thuỵ Vân thể hiện đầy xúc động. Là chiến sĩ cách mạng, Vân trải qua bi kịch mất gia đình, mất con trai khi bé mới ba tuổi. Những đau thương ấy không làm cô gục ngã, mà càng thể hiện rõ bản lĩnh, lòng kiên trung và ý chí bất khuất của người phụ nữ trong chiến tranh.
Nhà phê bình điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan chia sẻ về bộ phim cùng MC Thái Trang tại “Cine 7 - Ký ức phim Việt”.
Đến “Cine 7 - Ký ức phim Việt”, TS. Ngô Anh Đào (phải, Con gái cố NSND Thuỵ Vân) đem theo nhiều bức ảnh kỷ vật và kể những câu chuyện về mẹ trong bộ phim “Nổi gió”.
Tại chương trình “Cine7 - Ký ức phim Việt”, TS. Ngô Phương Lan đánh giá “Nổi gió” đã khắc họa rõ nét “tính nữ” - một đặc điểm nổi bật của điện ảnh Việt. Nhân vật Vân không chỉ là người mẹ, người chị giàu tình thương, mà còn là biểu tượng cho sự bền bỉ, vượt lên nghịch cảnh - hình ảnh tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam thời chiến. Dù sinh ra ở miền Bắc, NSND Thuỵ Vân vẫn hóa thân xuất sắc thành người phụ nữ Bến Tre, khiến khán giả liên tưởng đến “Đội quân tóc dài” và nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Cảnh quay Vân bị địch tra tấn bằng cách đốt mười đầu ngón tay là một trong những cảnh ám ảnh nhất phim. TS. Ngô Anh Đào - con gái của nghệ sĩ - kể lại: “Cảnh này chỉ được quay một lần. Mẹ tôi được băng bó, đắp thạch cao rồi đốt bên ngoài, luôn có người sẵn sàng dội nước. Khi tôi hỏi mẹ có sợ không, mẹ chỉ đáp: “Không. Lúc đó, mẹ là chị Vân”.
Cảnh quay nhân vật Vân bị địch tra tấn, đốt mười đầu ngón tay.
Tinh thần của những nhà làm phim thời chiến
“Nổi gió” được sản xuất trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Dù lấy bối cảnh miền Nam, đoàn phim buộc phải quay tại nông trường Quý Cao (Hải Phòng) - nơi tập trung nhiều đồng bào miền Nam tập kết. Khi biết đoàn làm phim muốn tái hiện quê hương, bà con nhiệt tình góp sức: người dựng nhà lá, người bắc cầu khỉ, người mang đến từng chiếc ghế, bộ ấm chén… Nhờ đó, một miền Tây sông nước hiện lên chân thực giữa đất Bắc.
Các diễn viên chính như cố NSND Thuỵ Vân và NSND Thế Anh (vai Trung úy Phương) đã dành hàng tháng ăn ở tại Quý Cao để nhập vai, sống như người dân Bến Tre thực thụ. Nghệ sĩ Thu Hằng (vợ NSND Thế Anh) kể rằng, dù thời đó phim rất quý, đạo diễn Huy Thành vẫn sẵn sàng bỏ tới 400 mét phim chỉ vì chưa tìm được người đóng vai Trung úy Phương phù hợp. Mãi đến khi gặp NSND Thế Anh, ông mới thật sự hài lòng. Vai diễn này sau đó trở thành dấu ấn lớn trong sự nghiệp của ông, ghi đậm trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
Một số cảnh trong phim “Nổi gió”.
Ngôn ngữ điện ảnh từ kịch bản sân khấu
Chuyển thể từ kịch, Nổi gió mang đậm chất sân khấu với lời thoại cô đọng, giàu triết lý. Dưới bàn tay đạo diễn Huy Thành và diễn xuất sâu sắc của dàn diễn viên, ngôn ngữ kịch được "mềm hóa" thành những câu thoại tự nhiên, xúc động.
Một số câu thoại điển hình đã trở thành biểu tượng như: “Giá ông thấy được hết thảy vết tích trên khắp người tôi, thì ông sẽ hiểu, người ta đã hành hạ một người đồng loại của ông như thế nào.” hay “Cộng sản, đó là niềm hi vọng của bao nhiêu người. Trong những lúc khó khăn nhất, gian khổ nhất, hai tiếng thiêng liêng đó như có một sức mạnh lạ kỳ.”
Theo TS. Ngô Phương Lan, chính sự chắt lọc ngôn ngữ và chiều sâu tư tưởng đã giúp "Nổi gió" vượt lên trên khuôn khổ một bộ phim thông thường, trở thành biểu tượng của dòng phim cách mạng - nơi lịch sử và nhân văn được thăng hoa bằng nghệ thuật.
Không chỉ là tác phẩm điện ảnh, "Nổi gió" còn là lát cắt của một thời kỳ đầy biến động. Bộ phim khắc họa sâu sắc cuộc đấu tranh giữa tình thân và lý tưởng trong bối cảnh chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ qua, "Nổi gió" vẫn giữ nguyên giá trị, và việc giới thiệu lại trên “Cine7 - Ký ức phim Việt” là cơ hội để thế hệ hôm nay nhìn lại một thời khát vọng và lý tưởng.
Đón xem “Cine7 - Ký ức phim Việt” với khách mời là Nhà phê bình điện ảnh, TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam và TS. Ngô Anh Đào (con gái NSND Thuỵ Vân) về phim điện ảnh “Nổi gió” lúc 21h10 ngày 12/04/2025 trên kênh VTV3.
Tổng Giám đốc
Nguyễn Thanh Lâm
Phó Tổng Giám đốc
ĐINH ĐẮC VĨNH
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ THANH HẢI
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ ĐỨC HOÀNG
Phó Tổng Giám đốc
LÊ QUYỀN