VTV đã đăng lúc 11:17 - 27.03.2025
Bộ phim không có tiếng súng nhưng lại ngập tràn những căng thẳng và thử thách, phản ánh quá trình xóa bỏ tư tưởng cũ, lạc hậu để mở ra những giá trị mới, giúp xã hội chuyển mình theo hướng tốt đẹp hơn.
“Ngày lễ thánh” và những vai diễn để đời của thế hệ diễn viên gạo cội
“Ngày lễ thánh” là bộ phim tâm lý tình cảm của đạo diễn Bạch Diệp, chuyển thể từ tiểu thuyết “Bão biển” của Chu Văn, kể về câu chuyện ở một làng Công giáo ven biển miền Bắc những năm 1960. Qua số phận hai chị em Nhân và Ái, bộ phim khéo léo phản ánh những định kiến xã hội, tư tưởng bảo thủ và khát khao thay đổi để hướng tới cuộc sống tự do, hạnh phúc.
Thành công của bộ phim không thể không nhắc đến sự góp mặt của dàn diễn viên gạo cội như NSND Trà Giang, người hóa thân vào vai chị Nhân - một người phụ nữ đanh đá, bảo thủ nhưng dần thay đổi tư duy theo thời gian; NSND Như Quỳnh, với vai cô Ái - người em dịu dàng, cam chịu nhưng luôn khát khao tìm kiếm hạnh phúc thực sự; nghệ sĩ Viết Liên, trong vai anh Vượng - chàng trai vùng biển hiền lành, chất phác, hết lòng yêu thương cô Ái, và NSND Trần Phương, người thủ vai anh Tiệp - một cán bộ luôn mang tinh thần đổi mới, nhân ái.
Ngoài ra, bộ phim còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Phương Thanh, NSƯT Ngọc Thu, NSƯT Hoàng Yến trong các vai diễn nhỏ nhưng đầy thú vị, góp phần làm phong phú thêm nội dung tác phẩm. … Giải thích cho chi tiết thú vị này, NSND Như Quỳnh cho biết, bộ phim “Ngày lễ thánh” ghi hình đúng vào thời điểm lớp Điện ảnh khóa 2 của Đại học Sân khấu điện ảnh đi thực tập nên phim mới có dàn “cameo” hùng hậu như vậy.
Những mâu thuẫn căng thẳng và nút thắt được gỡ dần trong phim
Câu chuyện của “Ngày lễ thánh” xoay quanh cuộc sống của hai chị em Nhân và Ái, những người phụ nữ chịu cảnh hôn nhân không hạnh phúc. Chị Nhân lấy phải người chồng vũ phu, thường xuyên đánh đập rồi bỏ trốn theo địch. Còn Ái, cuộc hôn nhân không tình yêu biến cô trở thành kẻ ở trong gia đình chồng, bị bỏ bê, thậm chí người chồng còn ngang nhiên sống chung với người khác.
Bị ràng buộc bởi những tư tưởng hà khắc đã ăn sâu trong suy nghĩ, hai chị em không dám phá bỏ để tìm kiếm tự do cho bản thân. Hành động cam chịu này, đặt trong bối cảnh những năm 1960, vừa khiến người ta giận vừa thương. Một trong những cảnh ấn tượng là khi Nhân đến nhờ người tình của chồng Ái phá đám cưới em gái.
Một phân cảnh trong phim “Ngày lễ thánh”.
Ở một diễn biến khác, khi bị vu oan, Nhân được minh oan và dần thay đổi. Tuy nhiên, xuyên suốt diễn biến phim, với sự thay đổi trong suy nghĩ và những biến cố xảy ra, chị Nhân cuối cùng đã thấu hiểu và quyết định ủng hộ em gái tìm kiếm hạnh phúc thực sự. Điều này không chỉ phản ánh sự giải phóng tư tưởng cá nhân mà còn thể hiện sự chuyển biến tích cực của xã hội thời bấy giờ.
Cuộc gặp gỡ sau 50 năm và hành trình làm phim đáng nhớ
Sau gần 50 năm kể từ khi “Ngày lễ thánh” ra đời, những nghệ sĩ góp phần làm nên thành công của bộ phim như NSND Trà Giang, NSND Như Quỳnh và nghệ sĩ Viết Liên vẫn nhớ về những kỷ niệm đáng nhớ trên phim trường. Bộ phim được quay trong điều kiện thiếu thốn tại vùng biển Hải Hậu, Nam Định. Các diễn viên phải sống chung với người dân địa phương, học cách lao động và đánh bắt cá để nhập vai.
NSND Như Quỳnh và Nghệ sĩ Viết Liên xúc động trước phân đoạn thay đổi của chị Nhân - phim “Ngày lễ thánh”
Quá trình kiểm tra chất lượng phim cũng gặp nhiều khó khăn khi mỗi cảnh quay phải chuyển từ Nam Định về Hà Nội để kiểm tra, mất nhiều thời gian và công sức. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của người dân và tinh thần làm việc hăng say của đoàn làm phim đã vượt qua mọi khó khăn để tạo nên “Ngày lễ thánh” - một tác phẩm điện ảnh kinh điển, ghi dấu ấn của một thời kỳ đầy thử thách nhưng tràn ngập đam mê cống hiến.
Là một bộ phim có đề tài được đánh giá rất mới mẻ, thậm chí có phần mạo hiểm ở thời bây giờ, thế nhưng không thể phủ nhận “Ngày lễ thánh” giống như một làn gió mới trong giai đoạn điện ảnh Cách mạng Việt Nam những năm 1970. Với cách xây dựng những hình tượng nhân vật cá tính, cách đề cập và giải quyết mâu thuẫn một cách nhẹ nhàng, dễ tiếp nhận, phim đã phần nào khắc họa được hình ảnh những người chiến sĩ trên mặt trận không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go, cố gắng xoá đi những cái cũ, lạc hậu và giải phóng tư tưởng cho người dân, để xã hội chuyển mình tốt đẹp hơn.
Đón xem "Cine7 - Ký ức phim Việt", cuộc trò chuyện với NSND Như Quỳnh và Nghệ sĩ Viết Liên về phim điện ảnh “Ngày lễ thánh”, 21h10 ngày 29/03/2025 trên kênh VTV3. Tập 1 của phim được phát sóng trên kênh VTV3 ngay sau phần trò chuyện. Để theo dõi tập 2, quý khán giả có thể xem trên nền tảng truyền hình số Quốc gia VTVgo.
“Cine 7 - Ký ức phim Việt” là chương trình phát sóng trên sóng VTV3, nơi chúng ta sẽ cùng nhau thưởng thức lại những tác phẩm điện ảnh vang bóng một thời, trò chuyện với những diễn viên gạo cội đã đặt nền móng cho điện ảnh Việt Nam. Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, sự hoài niệm cũng như lòng biết ơn to lớn đối với thế hệ cha ông đi trước. Chương trình lên sóng vào lúc 21h thứ 7 hàng tuần, bắt đầu từ 15/2 trên kênh VTV3 - Đài THVN và nền tảng truyền hình số Quốc gia VTVgo. Các phim điện ảnh sẽ được phát sóng trong chương trình “Cine7 - Ký ức phim Việt trên VTV3 và nền tảng truyền hình số Quốc gia VTVgo: Đến hẹn lại lên, Chị Tư Hậu, Cánh đồng hoang, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Mẹ vắng nhà, Ngày lễ thánh, Mùi cỏ cháy, Đừng đốt, Bao giờ cho đến tháng Mười, Biệt động Sài Gòn…. |
Tổng Giám đốc
Nguyễn Thanh Lâm
Phó Tổng Giám đốc
ĐINH ĐẮC VĨNH
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ THANH HẢI
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ ĐỨC HOÀNG
Phó Tổng Giám đốc
LÊ QUYỀN