Giang My (tổng hợp) đã đăng lúc 10:15 - 28.03.2025
Đây không chỉ là một chương trình giao lưu đối thoại thông thường mà còn là một hành trình cảm xúc, nơi các câu chuyện, nhân vật và tác phẩm nghệ thuật hòa quyện để làm sống lại một Điện Biên đầy tự hào. Thành quả của cả êkíp sau nhiều tháng chuẩn bị công phu đã được ghi nhận xứng đáng bằng giải Vàng thể loại Đối thoại - Tọa đàm tại LHTHTQ lần thứ 42.
Ngay khi biết tin chương trình đạt giải Vàng, BTV Hoàng Trang, đại diện êkip sản xuất không giấu được sự xúc động và bất ngờ: “Cảm xúc đầu tiên ùa đến là lòng biết ơn. Điện Biên là một mảnh đất rất đặc biệt với cá nhân tôi, nơi tôi đã dành nhiều tình cảm và thực hiện nhiều chương trình trước đây. Nhưng với "Bài ca Điện Biên", những kỷ niệm trở nên sâu sắc hơn, khi tôi được tiếp cận với một Điện Biên sống động, chân thực dù mình sinh ra sau chiến thắng gần 30 năm. Tôi biết ơn các cộng sự đã đồng hành, cùng vượt qua mọi thử thách để tạo nên chương trình này”.
Ý tưởng thực hiện chương trình đến rất tình cờ từ một cuộc trò chuyện với nhà báo Ngô Phương Ly - Trưởng phòng Văn hóa - Nghệ thuật. Với gợi ý rằng, Điện Biên có vô vàn câu chuyện hay, các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ra đời trong thời kỳ đó và rất nhiều nghệ sĩ tài danh trưởng thành từ giai đoạn lịch sử này, nếu không làm gì, sẽ thật đáng tiếc. Từ đó, êkip quyết định kể câu chuyện về Điện Biên qua góc nhìn nghệ thuật, với cách thể hiện nhẹ nhàng, giản dị nhưng giàu cảm xúc. Sau nhiều buổi bàn bạc, êkip thống nhất sẽ không tham vọng vẽ nên bức tranh toàn cảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ mà chọn những câu chuyện nhỏ nhưng sâu sắc, những nhân vật thật, câu chuyện thật để chạm vào cảm xúc của khán giả. Chương trình được định hình bằng một cảm hứng rõ ràng ngay từ đầu: "Niềm tự hào tiếp nối" - niềm tự hào truyền từ thế hệ cha sang thế hệ con.
Trong quá trình thực hiện, cảm hứng chính của chương trình đến từ những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc viết về Điện Biên và những câu chuyện đời thực của các nghệ sĩ - chiến sĩ đã dành cả sự nghiệp để ghi dấu ấn về mảnh đất này. Điều đặc biệt là hầu hết các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ như Đỗ Nhuận, Hữu Mai, Ngô Mạnh Lân, từng trực tiếp có mặt tại chiến trường, đều có những người con đang tiếp nối di sản của họ. Thế hệ sau không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn đang đóng góp lớn lao cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Thách thức lớn nhất khi thực hiện chương trình là tìm kiếm các nhân vật phù hợp trong thời gian rất ngắn. Phần lớn các tác giả gắn liền với các tác phẩm nghệ thuật về Điện Biên đều đã qua đời. Việc tìm các chiến sĩ Điện Biên năm xưa để nghe họ kể lại ký ức cũng không dễ dàng, vì nhiều người đã ở tuổi 80-90. Nhờ sự hỗ trợ tận tình từ Công an tỉnh Điện Biên, êkip đã kết nối được với một số nhân vật đặc biệt, những người lính vẫn minh mẫn kể lại các câu chuyện sống động, đầy cảm xúc về chiến thắng Điện Biên Phủ và cách họ đón nhận các tác phẩm nghệ thuật lúc bấy giờ.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong một cảnh quay phóng sự của chương trình Bài ca Điện Biên.
Khó khăn không chỉ dừng lại ở việc tìm nhân vật mà còn ở khâu tổ chức và lịch trình của khách mời. Nhà thơ Hữu Việt, con trai nhà văn Hữu Mai, ban đầu không thể tham gia vì lịch trình đã kín, nhưng sau khi đọc kịch bản, anh đã quyết định bay ra Hà Nội để ghi hình và ngay sau đó trở lại Quảng Trị cho một chương trình khác. Những nỗ lực của anh và các khách mời khác, như nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, nhạc sĩ Doãn Nho, hay bạn trẻ Lò Văn Long - Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Điện Biên, đều mang lại những đóng góp giá trị, giúp chương trình có chiều sâu hơn.
Một vị khách mời đặc biệt mà tôi vô cùng biết ơn là Tổng Bí thư Tô Lâm, khi đó còn là Bộ trưởng Bộ Công an. Dù bận rộn với công việc, ông vẫn dành thời gian tham gia một cuộc phỏng vấn dài và chi tiết về chùm ký họa của bố vợ ông - Họa sĩ, NSND Ngô Mạnh Lân - người mà cách đây 20 năm, chính ông đã đưa trở lại chiến trường Điện Biên xưa. Những ký ức và câu chuyện của ông, đặc biệt là lời trăn trở của họa sĩ: "Tôi còn mắc nợ Điện Biên," đã mang đến nguồn cảm hứng lớn, giúp tôi hoàn thiện nội dung chương trình một cách trọn vẹn. - BTV Hoàng Trang chia sẻ.
BTV Hoàng Trang cùng hai khách mời là nhà thơ Hữu Việt và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
Chương trình "Bài ca Điện Biên" khác biệt so với các chương trình trước đây về chiến thắng Điện Biên Phủ bởi cách kể chuyện giản dị mà đầy xúc động. Thay vì tập trung vào sự hoành tráng, kỳ vĩ, êkip lựa chọn cách thể hiện mềm mại, đan xen giữa các câu chuyện và tác phẩm nghệ thuật. Từng lát cắt nhỏ, từ câu chuyện của những người lính đến cảm hứng sáng tác của các nghệ sĩ, đều được kể bằng cảm xúc chân thực, để khán giả thêm trân trọng di sản văn hóa nghệ thuật và những cống hiến của thế hệ đi trước.
Dù nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, đại diện êkip vẫn còn những tiếc nuối nhỏ khi phải cắt bỏ nhiều đoạn chia sẻ hay trong hậu kỳ để đảm bảo thời lượng chương trình. Nhưng BTV Hoàng Trang tin rằng những tiếc nuối đó là động lực để tiếp tục sáng tạo, làm nên những chương trình trọn vẹn hơn, tiếp nối cảm hứng về một Điện Biên hào hùng và đáng tự hào.
Tổng Giám đốc
Nguyễn Thanh Lâm
Phó Tổng Giám đốc
ĐINH ĐẮC VĨNH
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ THANH HẢI
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ ĐỨC HOÀNG
Phó Tổng Giám đốc
LÊ QUYỀN