Theo Thời báo VTV đã đăng lúc 09:41 - 08.10.2024
Những ngày đầu tiên và câu chuyện “lan tỏa những điều tốt đẹp”
10 năm, đối với một chương trình truyền hình, có thể nói là một con số không nhỏ. Và đối với một chương trình dân sinh, thiện nguyện và truyền cảm hứng như Việc tử tế thì chắc chắn đó lại là một con số không hề nhỏ. Và với những người đặt nền móng cho chương trình này - từ những ngày đầu tiên, vào năm 2014 - thì 10 năm là một hành trình dài và ý nghĩa của nó còn lớn hơn rất nhiều con số 10 năm.
Nhà báo Trần Việt: “10 năm trước, nhưng người thành lập ra Trung tâm này còn rất ngô nghê trong việc vận hành 1 bộ máy nhưng đã dám quyết định sẽ làm “Việc tử tế” trong 5 năm và bây giờ, nó đã thành 10 năm rồi”.
Nhớ lại những ngày đầu tiên của Việc tử tế, nhà báo Trần Việt - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital) cho biết: “Bây giờ, khi bạn xem “Việc tử tế”, đó đã là một chương trình riêng với các số đồng hành hàng tuần rồi. Nhưng 10 năm trước thì khác. Lúc đó chúng tôi không có nhiều dư địa để làm những chương trình lớn” - nhà báo Trần Việt nói tiếp - “Lúc đó chúng tôi có một chương trình riêng là Chuyển động 24h, trong đó chúng tôi đưa rất nhiều nội dung từ dân sinh đến phóng sự điều tra, phản ánh tiêu cực và cả những nội dung giải trí, thiện nguyện, nhân văn và truyền cảm hứng vào đó”.
Nhà báo Trần Việt - Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital).
“Nói riêng về “Việc tử tế”, vào thời điểm của 10 năm trước, khi nghe thủ trưởng lúc đó nói về tên chương trình, tôi thấy cái tên này cũng lạ lạ nhưng thực sự tôi không hình dung và biết chúng tôi sẽ phải làm và triển khai nó như thế nào” - nhà báo Trần Việt nói tiếp - “Nhưng lúc đó, chúng tôi có nhiều phóng viên, biên tập viên trẻ chuyển từ VTV6 sang và các bạn đã mang đến một tâm hồn của tuổi trẻ để làm chương trình về những người tốt, việc tốt. Khi tôi xem phóng sự các bạn làm, nó thật sự rất khác với cách làm truyền thống trước đây khi làm về chủ đề này. Tôi đã nghĩ nếu là mình thì mình không thể làm được như các bạn. Họ thật sự đã thổi luồng sinh khí mới, kể những câu chuyện khiến người xem gắn được mình vào đó”.
“Tôi luôn xem chương trình với tư thế của khán giả. Tôi nghĩ nếu mình cảm được thì những khán giả giống mình cũng sẽ cảm được và hóa ra họ cảm được thật. Chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ khán giả, họ nói họ biết những người như thế này, thế kia… và thế là chúng tôi có rất nhiều đề tài để làm”. - Nhà báo Trần Việt.
“Sau khi chương trình chạy được một thời gian, tôi cũng đã lo lắng, cứ thế này thì bao nhiêu nhận vật cho đủ đây?” - nhà báo Trần Việt nói tiếp với một nụ cười khi nhớ lại những ngày khởi đầu của “Việc tử tế” - “Nhưng cuối cùng, điều bất ngờ là những câu chuyện các phóng viên của chúng tôi có thể kể nó nhiều hơn thời lượng mà chúng tôi có thể bố trí cho chương trình này”.
“Bây giờ, khi nhìn lại, tôi thấy điều thú vị và tuyệt vời nhất là khi xem “Việc tử tế” người ta lại muốn làm việc tốt. Cái tính lây lan của việc tốt hóa ra rất thú vị” - nhà báo Trần Việt tiếp tục - “Như những ngày mà cơn bão số 3 đi qua, bạn có thể thấy hình ảnh những chiếc ô tô che chắn cho xe máy khi đi qua cầu, hình ảnh đấy đã được lan tỏa rất nhiều, nó khiến chúng ta khi nhìn vào đó cảm thấy rất cảm xúc - tự hào về đất nước mình và tự hào về người Việt Nam mình. Tính lan tỏa của việc tốt hóa ra nó tuyệt vời như thế”.
“Chương trình “Việc tử tế” của chúng tôi cũng vậy. Khi xem xong mỗi số phát sóng, mỗi nhân vật, người ta cũng muốn làm việc tốt vì người ta thấy việc đó mang đến ý nghĩa thực sự. Tôi nghĩ nếu mình chọn được việc đúng, có ý nghĩa và mình dám vượt qua khó khăn để làm thì thành công, hiệu quả nó - mình không nói được nó sẽ đến khi nào - nhưng nó chắc chắn sẽ đến. Như bạn đã thấy nó trong hành trình 10 năm qua của “Việc tử tế” của chúng tôi”.
Ê-kíp Việc tử tế trong một chuyến tác nghiệp.
Hơn cả một công việc… cơ hội thay đổi cuộc đời cho nhiều con người
Nhà báo Thành Vũ: “Ai cũng thích một công việc nhẹ nhàng, tác nghiệp ở thành phố, vui vẻ… nhưng những bạn phóng viên của chúng tôi sẵn sàng lên đường tới những chỗ xa xôi nhất, khó khăn nhất. Nhưng khi nhìn lại một cách tổng thể hành trình mình đi chắc chắn đó là một hành trình mà các bạn rất tự hào về những thứ mà mình đã đóng góp cho xã hội”
Nhà báo Thành Vũ, tổ chức sản xuất của chương trình “Việc tử tế”, đã gắn bó với chương trình ngay từ những ngày đầu. Anh tiếp cận với “Việc tử tế” từ khi nó mới chỉ là một kế hoạch trên giấy. Vì thế, với Thành Vũ, Việc tử tế không chỉ là 10 năm và nó cũng không chỉ là một chương trình truyền hình đơn thuần.
“Công việc truyền hình có thể cũng nhiều người làm” - nhà báo Thành Vũ nói - “Nhưng khi làm mảng thiện nguyện, mảng xã hội như thế này thì mình có một cơ hội thay đổi cuộc đời cho rất nhiều người khó khăn, yếu thế chỉ sau một phóng sự. Và đôi khi, thành quả lao động, sáng tạo báo chí của mình nó không đo đếm bằng nhuận bút mà nó được đo đếm được bằng việc mình giúp cho bao nhiêu cuộc đời đã thay đổi”.
Nhà báo Thành Vũ: “Ai cũng thích một công việc nhẹ nhàng, tác nghiệp ở thành phố, vui vẻ… nhưng những bạn phóng viên của chúng tôi sẵn sàng lên đường tới những chỗ xa xôi nhất, khó khăn nhất. Nhưng khi nhìn lại một cách tổng thể hành trình mình đi chắc chắn đó là một hành trình mà các bạn rất tự hào về những thứ mà mình đã đóng góp cho xã hội. Đôi khi nhìn thấy một em bé nào đó trưởng thành, gia đình nào đấy bước qua được cái nghèo, cái khổ… thì đó đã là một niềm vui, một niềm tự hào rất tự thân của những người làm chương trình”.
“Người Việt mình hay có câu tích phúc, tích đức, thì đây có thể là một điều rất phù hợp khi nói về các bạn phóng viên đang làm những chương trình thiện nguyện như “Việc tử tế”, như “Cặp lá yêu thương”. Các bạn đi tác nghiệp rất khó khăn, luôn luôn trèo đèo, lội suối, có thể là những ngày đi bộ vượt núi vượt suối đến mấy tiếng để có thể đến được nhà của một em nhỏ… Nếu như không phải là một phóng viên yêu nghề và sẵn sàng hy sinh cho công việc thì người ta không thể nào bền bỉ với công việc ấy qua năm qua tháng như vậy”.
Nhà báo Thành Vũ (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến đi làm Việc tử tế. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Với “Việc tử tế”, năm nay đã là 10 năm, điều mà chúng tôi được nhất là tạo ra một phong cách kể chuyện chân dung mới trên sóng truyền hình về người tốt việc tốt - khác với cách kể truyền thống về mảng này” - Thành Vũ nói tiếp - “Mong muốn của chúng tôi là đưa những con người bình thường nhất trong xã hội lên sóng - những con người rất bé nhỏ, làm những công việc rất bé nhỏ… Những người làm những việc bé nhỏ đó truyền hình trước đây gần như không tiếp cận nhiều. Và “Việc tử tế” đã hình thành nên một suy nghĩ khác là những người rất bình thường cũng có thể trở thành chất liệu đẹp trên sóng truyền hình”.
“Chúng tôi đặt ra một mục tiêu là đưa những con người bình thường, nhỏ bé làm những việc tử tế tiếp cận với mọi người, từ đó sẽ tạo thành cộng đồng của những người làm việc tử tế, và cộng đồng những người làm việc tử tế ấy sẽ lan tỏa những giá trị tích cực. Dần dần, chúng ta sẽ xây dựng hình ảnh một thành phố tử tế, một đất nước tử tế… Và đó là một sứ mệnh được đặt nền móng - có thể - từ những điều rất nhỏ, từ những viên gạch rất nhỏ… “Việc tử tế” là như vậy và chúng tôi vẫn bền bỉ với mục tiêu ấy”.
Trong khi đó, biên tập viên Nguyễn Nga - một gương mặt đã quá quen thuộc phía sau những phóng sự của “Việc tử tế” - 10 năm của chương trình lại có một giá trị riêng.
BTV Nguyễn Nga (ngoài cùng bên trái) và ê-kíp Việc tử tế trong một chuyến tác nghiệp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
“Là 1 phóng viên trẻ, khi bước chân vào Đài THVN, được thử sức với chương trình “Việc tử tế” và đến nay đã hơn 7 năm trải nghiệm cùng chương trình. “Việc tử tế” với mình không chỉ là 1 chương trình, 1 công việc thông thường mà đã trở thành Gia đình. Bởi mỗi nhân vật mà mình đến, gặp gỡ, ghi hình và trở về thì họ đã trở thành chính những người thân thiết, gắn bó với mình từ lúc nào không biết” - Nguyễn Nga nói - “Không chỉ đến rồi đi, chúng mình còn tạo ra những sợi dậy gắn kết với những nhân vật bằng chính những tình cảm thật và bằng chính trái tim đồng điệu của chính mình”.
BTV Nguyễn Nga: Đôi khi cuộc sống có gặp khó khăn gì thì chính những nhân vật lại là người tiếp thêm sức mạnh cho chúng mình, tin vào những điều tốt đẹp phía trước.
Ê-kíp “Việc tử tế” tác nghiệp.
“Mỗi cột mốc luôn có ý nghĩa quan trọng, với Việc tử tế hành trình 10 năm cũng vậy. 10 năm “Việc tử tế”, mình có cơ hội gắn với với chương trình 7 năm. Khoảng thời gian ấy có lẽ đủ lâu để minh chứng cho 1 tình yêu bền bỉ với chương trình” - Biên tập viên Nguyễn Nga nói tiếp - “Chúng mình có cơ hội gặp gỡ, ghi hình, phỏng vấn những câu chuyện, con người tử tế mỗi ngày, bởi vậy, thật may mắn cuộc sống của chúng mình luôn tươi sáng và tràn ngập màu sắc tích cực”.
MC Thuỵ Vân - người dẫn chương trình quen thuộc của “Việc tử tế” trong 10 năm qua - nói về cảm xúc của cô: “Một em bé 10 tuổi thì còn nhỏ lắm nhưng một chương trình có được 10 năm tuổi thì chắc chắn là do tình yêu của khán giả và sự nỗ lực từng ngày của ekip chương trình. Nhìn lại 10 năm mới thấy Thuỵ Vân may mắn khi được đồng hành với chương trình, được nghe hàng trăm câu chuyện, gặp hàng trăm người”.
“Những nhân vật ấy họ mang trái tim ông Bụt, bà Tiên nhưng lại trong hình hài bình dị như bao người khác. Gặp họ, nói chuyện với họ, Vân thấy biết ơn họ”.
MC Thụy Vân trò chuyện với một nhân vật của Việc tử tế tháng 11 năm 2023. (Ảnh: Chương trình cung cấp).
Kết thúc chia sẻ của mình, Thuỵ Vân nói: “Nhiều khi cũng lo lắng là liệu 10 năm rồi, có hết mất nhân vật Việc tử tế không? Nhưng không, mỗi ngày, mỗi tháng chúng tôi phát hiện ra trong đời thường có nhiều lắm người tốt, có nhiều lắm nhân vật chúng tôi phải nói về họ. Thuỵ Vân hi vọng sẽ còn được khán giả tin tưởng để đồng hành với chương trình này!”.
MC Thụy Vân: “Những nhân vật “Việc tử tế” khiến cho cuộc sống này lấp lánh theo một cách rất riêng, khiến mọi người thấy những khó khăn của mình vơi đi…”
Tổng Giám đốc
Nguyễn Thanh Lâm
Phó Tổng Giám đốc
ĐINH ĐẮC VĨNH
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ THANH HẢI
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ ĐỨC HOÀNG
Phó Tổng Giám đốc
LÊ QUYỀN