Theo Thời báo VTV đã đăng lúc 08:49 - 09.09.2024
Các chương trình giải trí của VTV hướng đến khán giả số
Trong những năm gần đây, các chương trình giải trí đã có sự chuyển đổi số trong nội dung tương đối đồng bộ. Ở góc độ tổng thể, các đơn vị sản xuất đã hệ thống lại nền tảng số của kênh VTV3, bao gồm YouTube, Fanpage và Tiktok. Các kênh số này đóng vai trò truyền thông chính thức cho các chương trình mà đơn vị sản xuất, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ truyền thông cụ thể, theo dự án mà lãnh đạo Đài, Hội đồng số phân công.
Nhà báo Lại Bắc Hải Đăng, Phó trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí cho biết: "Một số chương trình nổi bật như: Đường lên đỉnh Olympia, Vua Tiếng Việt, Cà phê sáng, VTV Awards… tiếp tục phát triển kênh fanpage riêng để kết nối với nhóm khán giả đặc thù cũng như tham gia quảng bá chéo với các nội dung khác của Ban, của Đài. Không chỉ chủ động phát triển các kênh nội dung số riêng, đơn vị còn tham gia đóng góp nội dung cho các kênh số chung của Đài như VTVShow, VTV Giải trí…".
Sự thay đổi rõ nét của Ban Sản xuất các chương trình giải trí còn thể hiện ở quy trình sản xuất nội dung. Mỗi chương trình lên sóng (ti vi truyền thống) luôn được xây dựng hệ thống nội dung trước, trong và sau để quảng bá trên đa nền tảng. Nhân sự thực hiện sản xuất chương trình trên sóng trước đây giờ còn bao gồm việc sản xuất các nội dung số. Đã có những dự án lớn như Chương trình cầu THTT Điện Biên Phủ, Mùa đoàn tụ, Lễ trao giải VTV Awards, Đón Tết cùng VTV, 12 con giáp, Giai điệu tự hào, Vua Tiếng Việt… phát trên nền tảng số vừa mang nhiệm vụ truyền thông, vừa trở thành những tuyến bài hấp dẫn, thu hút khán giả trẻ, khán giả gia đình và cả những người cao tuổi.
Việc thay đổi tư duy số đã tạo ra một hướng phát hành sản phẩm mới. Nếu bản trên sóng có sự giới hạn về thời lượng theo các khung giờ truyền thống (15, 30, 45 phút…) thì nền tảng số của VTV3 đã chính thức phát hành các bản dài hơn để khán giả có thêm khoảng thời gian cùng thưởng thức như: Luật siêu dễ, Quân khu số 1, dự kiến tiếp theo là Vua Tiếng Việt….
Nhiều chương trình giải trí mới xuất hiện trên nền tảng số
Từ tháng 7/2024, Ban Sản xuất các chương trình giải trí quyết tâm đưa ra một playlist mới trên nền tảng số với tên gọi VTV3+, gồm các nội dung phái sinh là những thông tin hấp dẫn từ các chương trình “đinh” và chưa hề xuất hiện trên sóng truyền hình. Nổi bật là các chuyên mục: Ồ Ôlym, Bếp núc Khách sạn, Công nhân Got Talent. Các chương trình phái sinh này vừa đáp ứng nhu cầu của các khán giả yêu mến format gốc, đồng thời, mở rộng nội dung mới, tạo thêm “món ăn lạ” cho các khán giả số.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đài Truyền hình Việt Nam (7/9/2024), Ban Sản xuất các chương trình giải trí dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm “Chơi game cùng VTV3” hoàn toàn trên nền tảng số vào lúc 12h trưa hàng ngày, trong 2 tuần liên tục. Đây sẽ là format trò chơi tổng hợp từ các format của VTV3 mà khán giả yêu mến như: Đường lên đỉnh Olympia, Vua Tiếng Việt, Ai là triệu phú, Luật siêu dễ… Khán giả trên nền tảng số sẽ cùng xem, cùng tham gia trả lời các câu hỏi để nhận phần thưởng. Không chỉ là những món “tiền thưởng nóng hổi”, những khán giả thắng cuộc mỗi game sẽ được lựa chọn trở thành người chơi chính thức ở các format gốc trên sóng VTV3. Theo nhà báo Lại Bắc Hải Đăng, nếu được đón nhận, đây sẽ là series gameshow đầu tiên triển khai hoàn toàn trên nền tảng số, chơi với khán giả số và phục vụ người xem trên các nền tảng số.
Một điều dễ nhận thấy là lượng khán giả theo dõi các chương trình của Ban Sản xuất các chương trình giải trí nói riêng, của các chương trình trên kênh VTV3 nói chung đang ngày một gia tăng, bởi khán giả không chỉ xem từ kênh sóng, từ VTV Go mà các chương trình trên nền tảng số cũng có số lượng người theo dõi đông đảo.
Ban Sản xuất các chương trình giải trí cũng thường xuyên nhận được phản hồi của khán giả từ chính những nội dung trên số, bao gồm những phần nội dung nhỏ trích từ các chương trình hay những góp ý chung cho cả chương trình. Theo nhà báo Lại Bắc Hải Đăng, chính nhờ những phản hồi này rất cụ thể, trực quan nhờ các chức năng từ các nền tảng số (thay vì chỉ là con số rating hay lượt view trước đây) mà đơn vị nội dung sẽ hiểu khán giả hơn, tiếp nhận ý kiến đóng góp để có sự thay đổi, cập nhật và hoàn thiện nội dung chương trình có chất lượng hơn.
Để đến gần hơn với khán giả, chắc chắn phải bắt đầu từ nội dung ngày một tốt hơn, cơ chế phát hành đa nền tảng hơn, giúp khán giả thuộc các đối tượng khác nhau dễ dàng tiếp cận, dù đó là nhóm khán giả “chủ động” hay “thụ động” muốn thưởng thức các nội dung. Quy trình nhận phản hồi từ khán giả tới đơn vị sản xuất phải gần gũi, nhanh chóng, tức thời hơn.
Nhà báo Lại Bắc Hải Đăng cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng khán giả sẽ xem chương trình gốc trên sóng VTV, trên VTVGo, đồng thời sẽ xem được các nội dung trước - sau và phái sinh trên đa nền tảng số khác. Và với đặc thù là “Kênh giải trí - văn hoá cho mọi gia đình Việt”, mong muốn của chúng tôi là khán giả có thể ở bất kỳ đâu cũng có thể xem và chơi cùng với các nội dung của VTV3, đúng với ý tưởng “GameOne VTV3” mà chúng tôi đang thử nghiệm".
Tổng Giám Đốc
LÊ NGỌC QUANG
Phó Tổng Giám đốc
ĐINH ĐẮC VĨNH
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ THANH HẢI
Phó Tổng Giám đốc
ĐỖ ĐỨC HOÀNG
Phó Tổng Giám đốc
LÊ QUYỀN